Home » Success Story » Phỏng vấn Học viên Ngô Tuấn An

Title

Phỏng vấn Học viên Ngô Tuấn An

Chuyên mục “Câu chuyện thành công” lần này sẽ giới thiệu về một nhân vật hoàn toàn khác, một học viên chưa có một chứng chỉ Quốc tế nào, đang trên đường thực hiện ước mơ sự nghiệp của mình và có những thành công đầu tiên trong sự nghiệp.
 
Ngô Tuấn An – cựu học viên MCITP SA tại iPMAC, hiện là Quản trị hệ thống tại Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm, Đại Học Quốc Gia Hà Nội(ETC).

 

Hãy nghe An chia sẻ về con đường tìm việc đầy “chông gai” của mình.
 

 

Khởi đầu không thuận lợi
 
Mình tốt nghiệp trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội - Khoa Công nghệ thông tin, chuyên ngành Hệ thống thông tin – đầu năm 2011. Chuyên ngành đào tạo tại trường của mình chủ yếu là lập trình, cộng thêm với bằng tốt nghiệp loại trung bình – khá nên mình tự xác định là tìm việc “ngon” khá khó khăn. Vì thế, mình đã tham khảo thông tin và quyết định học thêm một khóa học Quản trị hệ thống. Qua tìm hiểu trên mạng, mình quyết định đăng ký học tại iPMAC.
 
Với mong muốn vừa học vừa làm để có tiền trang trải cuộc sống, mình xin làm part-time, hay chính xác là dịch vụ sửa chữa (định kỳ đến kiểm tra và khi nào hỏng hóc thì có mặt xử lý) tại phòng khảo sát của Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế đường bộ. Công việc chủ yếu là sửa chữa các lỗi cơ bản về mạng, phần mềm và máy tính. Trong quá trình làm part time, mình còn xin làm full-time tại nhà hàng Maison Sens 61 Trần Hưng Đạo. Công việc ở đây rất nhàn, chỉ là quản lý Facebook của nhà hàng, soạn thảo văn bản, thiết kế 1 số phông bạt và mang đi in, thực sự là rất nhàm chán và không thể phát huy được hết khả năng của bản thân mình. Sau khi làm việc tại nhà hàng trên được 1,5 tháng cũng là lúc mình hoàn thành khóa học tại iPMAC và xin nghỉ việc để tìm một nơi khác để phát triển bản thân. Mình đã nộp và đi phỏng vấn khá nhiều nhưng công việc tốt vẫn chưa đến với mình.
 
Cơ hội bất ngờ và Quyết định chính xác
 
Đúng thời điểm này, tình cờ 1 chị nhân viên của phòng Khảo Sát, nơi mình làm parttime có người quen đã từng làm việc và quen khá thân với giám đốc của tập đoàn Tinh Vân. Mình đã gửi CV và nhờ chị giúp đỡ mình tìm công việc phù hợp tại Tinh Vân. Sau một thời gian gửi CV, mình nhận được điện thoại của bên Trung tâm công nghệ đào tạo và hệ thông việc làm, ĐH Quốc Gia (gọi tắt là ETC) gọi điện thông báo có nhận được thư giới thiệu của Tinh Vân và hiện nay ETC đang cần tuyển 1 nhân viên Hệ thống thông tin và mời mình đến tham gia buổi thi đầu vào trong chiều hôm đó. Cũng trong khoảng thời gian chờ tin từ Tinh Vân, mình đã trúng tuyển vào vị trí Quản trị Mạng của Công ty Dược phẩm ECO. Cùng lúc này mình nhận được thông báo trúng tuyển từ ETC. Niềm vui xen lẫn nỗi phân vân, mình nên đi làm ở bên ETC hay ECO? Cả 2 nơi mình đều được làm công việc yêu thích của mình và 1 điều rất quan trọng khác là mình được xây dựng hệ thống từ đầu, như vậy mình sẽ nắm bắt rõ nhất hệ thống mà mình sẽ quản lý, điều này rất ít khi có nếu mình xin việc ở những công ty khác. Sau khi tìm hiểu và cân nhắc, mình quyết định làm việc tại trung tâm ETC. Công việc chủ yếu là xây dựng và phát triển hệ thống thông tin của Trung tâm do đang trong thời kỳ đầu áp dụng CNTT.

 

 

Xác định mục tiêu

 

Mục tiêu sự nghiệp của mình là được làm việc tại 1 trong những Công ty hang đầu về CNTT & truyền thông như Viettel, FPT, TinhVan… hoặc các ngân hàng lớn của Việt Nam. Nhưng nếu ngay bây giờ đi xin việc tại những nơi như vậy, mình nghĩ khả năng thành công sẽ rất thấp bởi kinh nghiệm làm việc và vốn ngoại ngữ của mình còn quá ít. Vì vậy mình quyết định làm việc tại ETC, làm đúng lĩnh vực mà mình theo đuổi để tích lũy kinh nghiệm, đồng thời trong quá trình làm việc, mình sẽ đi học thêm 1 khóa tiếng anh TOEIC và 1 khóa Quản trị mạng Linux hoặc CCNA. Theo tính toán của mình thì đến khi mình hoàn thành 2 khóa học, mình sẽ có “điều kiện cần” để nộp đơn xin việc vào những công ty mà mình mong muốn, còn có được tuyển dụng hay không lúc đó còn tùy thuộc vào khả năng của bản thân mình
 
Kiến thức của khóa hoc MCITP SA hoàn toàn ứng dụng được vào thực tế công việc của mình hiện tại. Tuy nhiên, để thực hiện được “mục tiêu dài hơi” thì mình cần phải có chứng chỉ MCITP SA, và trong tương lai chắc chắn sẽ là các chứng chỉ khác như CCNA, Linux….Có chứng chỉ quốc tế, chắc chắn hồ sơ của mình sẽ hoàn hảo hơn, và mình sẽ tự tin hơn nhiều khi đi “săn” việc.
 
Kinh nghiệm học tập
 
Mình nghĩ hiệu quả nhất vẫn là học đi đôi với hành. Sau khi đi học tại lớp về thì mở ngay máy lên và lab lại những bài đã được thực hành trên lớp, chỗ nào không hiểu có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy giáo của mình. Bản thân mình hiện nay vẫn thường xuyên liên lạc với anh Nguyễn ĐìnhViệt (giảng viên lớp MCITP SA của mình tại iPMAC) để nhờ anh giải quyết một số vấn đề khúc mắc và được anh tận tình giúp đỡ. Đồng thời tham khảo một số sách của Syngress về các ví dụ thực tế của 3 môn học trong chương trình MCITP.
 
Xây dựng sự Tự tin
 
Ngày càng nhiều người có chứng chỉ MCITP SA, nhưng để xin được việc làm tốt và quan trọng hơn là có kỹ năng làm việc thì vẫn không thể không học và thi chứng chỉ này. Theo quan điểm của mình, nói thừa nhân lực CNTT là do hiện nay các trường CĐ, ĐH mọc lên quá nhiều mà chất lượng dạy và học thì không phải lúc nào cũng là tốt, nhiều người sau khi được đào tạo ra không thể xin được việc vì khả năng làm việc kém. Vì vậy, để không nằm trong số “nhân lực thừa” đó, mình đã vạch sẵn một lộ trình học tập, trong đó quan trọng nhất là trang bị cho mình thêm những kiến thức chưa được đào tạo trong trường.
 
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới
 
Kế hoạch gần nhất của mình là tiếp tục theo học một số khóa học về Quản trị mạng CCNA, Linux, và các khóa học về Cơ sở dữ liệu. Mình cũng dự định cập nhật kiến thức về phiên bản Windows Server 2008 R2 mới vì những tính năng cải tiến trong phiên bản mới này rất cần thiết cho công việc hiện tại của mình, và cũng là yêu cầu bắt buộc để mình thực hiện ước mơ xin việc tại các tập đoàn, ngân hàng lớn. Hơn nữa, trong năm nay mình dự định thi lấy chứng chỉ MCITP SA, mà theo mình biết thì hiện tại đề thi chứng chỉ cũng đã đổi theo phiên bản R2 này, như vậy nếu không học R2 thì sẽ khó thi được chứng chỉ Quốc tế.