Trang chủ » Success Story » Gương mặt CCIE trẻ thành công

Tiêu đề

Gương mặt CCIE trẻ thành công

Nếu bạn là sinh viên ngành CNTT, đặc biệt là công nghệ mạng (networking) hẳn bạn không thể không biết đến chứng chỉ CCIE. Đây là cấp bậc chứng chỉ cao nhất trong hệ thống chứng chỉ Quốc tế của Cisco. Tại Việt Nam hiện mới chỉ có hơn 30 CCIE, con số này cũng phản ánh thực tế là để đạt được chứng chỉ “sáng giá” này không phải dễ dàng. 
 
Một trong những người đã thành công khi đạt được chứng chỉ này khi còn rất trẻ là Nguyễn Tuấn Anh. Hiện tại Tuấn Anh đang sống và làm việc tại Singapore. Công việc của Tuấn Anh là Phụ trách dự án & Chuyên gia cố vấn bán hàng (Project lead/Pre-sales Consultant) tại công ty Xtracommunication.

 


 
Quá trình theo đuổi đam mê công nghệ và con đường chinh phục chứng chỉ CCIE của Tuấn Anh cũng là một kinh nghiệm hữu ích cho những ai đang theo đuổi chứng chỉ giá trị này.
 
Khởi nguồn của niềm đam mê công nghệ
Tuấn Anh học cấp 3 chuyên Lý Đại học Tổng hợp, tại đây bạn đã có được những kiến thức căn bản về Toán Lý và đặc biệt là phương pháp học. Sau khi học hết cấp 3, do thành tích học tấp khá tốt, Tuấn Anh đăng ký học tại trường Đại học Công Nghệ NTU, Singapore khoa điện tử viễn thông (Communication). Nhưng niềm đam mê công nghệ mạng (networking) chỉ thực sự bắt đầu khi Tuấn Anh được nhận vào thực tập tại công ty Nexwave communication. Tại đây, bạn được làm quen và cảm thấy hứng thú với networking. Tuấn Anh xác định sẽ theo đuổi đam mê này của mình từ đó.
 
Con đường chinh phục Chứng chỉ CCIE – cần nhất là kinh nghiệm thực tế
 
Đạt được chứng chỉ cấp độ cao nhất của Cisco, theo Tuấn Anh không chỉ là tự học mà còn nhờ những dự án bạn được tham gia. Tuy nhiên tự học không có nghĩa là tự đọc sách và tự làm thực hành không, mà phải đi theo giáo trình cũng như tài liệu của các học viện khác nhau, trong đó có Internetwork Expert và IP Expert. Bởi vì kiến thức rất nhiều, nếu học dàn trải sẽ không thể tiếp thu được hết, phải biết những điểm quan trọng (core) và nền tảng (foundation)
 
Sau khi tốt nghiệp Đại học tại Singapore, Tuấn Anh đã bắt đầu công việc đầu tiên tại Xtracommunication. Tại đây bạn đã tham gia vào nhiều dự án (projects) lớn nhỏ, ở Singapore cũng như trong khu vực, hợp tác cùng nhiều công ty như Exxon, Ascendas, Changi Airport hay Starhub, thuộc nhiều mảng khác nhau như routing & switching, wireless, ip telephony. Qua những projects đó, Tuấn Anh tích luỹ được nhiều kiến thức trước khi chuẩn bị cho kì thi CCIE của mình.

 

Tại hội thảo "Vietnam Amid Rising Asia: Great Challenge or Golden Opportunity"

 

Sau một thời gian, Tuấn Anh xin nghỉ để tự học trong vòng nửa năm. Việc tự học kéo dài mặc dù trước đó Tuấn Anh đã đạt cấp độ CCIE written, vì không có người hướng dẫn cũng như môi trường để cùng học. Ý thức được việc đó, Tuấn Anh xin đi dạy ở iPMAC, với mong muốn có được môi trường học tốt hơn, đồng thời có thể giúp đỡ được các học viên có cùng đam mê giống mình. Khi cảm thấy kiến thức và kinh nghiệm đã thực sự “chín”, Tuấn Anh lên đường dự thi chứng chỉ CCIE ở Sydney.
 
Quay trở lại Singapore, với chứng chỉ CCIE trong tay, Tuấn Anh được mời vào làm tại các công ty lớn như Datacraft, ING bank, nhưng sau đó Tuấn Anh quyết định quay lại công ty đầu tiên là Xtracommunication. Tuấn Anh chia sẻ: “Tuy không phải là một công ty lớn, nhưng đây là công ty lúc nào cũng cho mình nguồn cảm hứng trong công việc và cho mình môi trường học hỏi không ngừng. Với mình điều đó mới thực sự quan trọng”
 
Hãy luôn nghĩ rằng mình còn có thể vươn cao hơn nữa!
 
Không thể phủ nhận, chứng chỉ CCIE đã mang đến cho Tuấn Anh nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm cũng như tại vị trí hiện tại. Tuấn Anh cho biết không những nhận được ưu đãi tốt hơn mà công việc cũng được tiếp nhận nhiều cơ hội và thử thách hơn. Cụ thể như có lựa chọn để làm việc cho những công ty lớn như NCS, Datacraft, có cơ hội tham gia những project mới như Datacenter virtualization, Subscriber gateway hay Cloud Computing.
 
Thế nhưng với một người luôn biết “không tự hài lòng với những gì mình đã đạt được” như Tuấn Anh thì như vậy chưa đủ. Trong thời gian tới , Tuấn Anh sẽ vừa làm việc vừa tập trung cho chứng chỉ CCIE thứ hai về Voice. Quan tâm sau Voice của Tuấn Anh sẽ là Datacenter Virtualization.

 

Với chủ tịch Jimmy Carter tại Dự án Jimmy Carter Hải Dương 2009

 

Ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế- Cách học hiệu quả nhất!
 Tuấn Anh chia sẻ, chính thời gian giảng dạy CCNA ở iPMAC đã giúp bạn rất nhiều trong công việc hiện tại. Bằng cách hệ thống hoá kiến thức, giáo trình, Tuấn Anh có được cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn. Ở vị trí của chuyên gia cố vấn, khách hàng mà Tuấn Anh gặp có thể là người học về kĩ thuật có thể không. Chỉ có một kiến thức tổng thể và được liên hệ chặt chẽ mới có thể giúp bạn giải thích cho khách hàng về những lợi ích mà giải pháp mang lại. Những điều này được kết hợp rất tốt từ bài học CCNA đầu tiên.
 
“Khi học CCIE, số lượng sách khá nhiều ~ 10 nghìn trang, kiến thức rộng đặc biệt với Routing và Switching. Để tiếp thu hết lượng kiến thức này, người học phải xoay đi xoay lại vấn đề rất nhiều lần. Có những mảng chính, mình phải đi từ tổng quan đến chi tiết làm đi làm lại hàng năm trời. Đó là một quá trình”- Tuấn Anh chia sẻ kinh nghiệm khi ôn thi CCIE.
 
Khi tham gia giảng dạy, Tuấn Anh nhận ra cách học của học viên tại Việt Nam cần có chút thay đổi để có hiệu quả hơn. “Thứ nhất các bạn đừng ngại đọc sách vì giáo trình chỉ là tóm tắt sẽ không thể giúp bạn hiểu sâu về nguyên lý. Số lượng sách đều viết bằng tiếng Anh nên có lẽ đây là một rào cản. Thứ hai, các bạn phải tận dụng mọi cơ hội để thực hành. Khi mình cùng lớp làm thực hành, mình nhận ra các bạn không quen. Điều này có thể là vì thực tế các bạn không có thời gian làm lab thường xuyên. Ở iPMAC có lab giành cho học viên, các bạn có thể đến để thực hành nhiều hơn. Ngoài ra, có chương trình giả lập như GNS3, có thể giúp bạn có thời gian làm việc trên router nhiều hơn với đầu tư rất ít. Trong quá trình học CCIE, mình có một máy tính riêng dùng để giả lập GNS3. Khoảng thời gian 4 tháng là thời gian mình làm những lab chuyên sâu của INE sau khi đã có CCIE written. Tốc độ vừa nhanh hơn những lab thuê online vừa có thể thay đổi cách nối dây để thí nghiệm những giả thuyết khác nhau.”
 
Theo Tuấn Anh, khi thực hành, ban đầu học viên nên thực hành theo chủ đề, từng mảng kiến thức một. Khi đã nắm rõ, đó mới là lúc đi vào những lab kết hợp nhiều kiến thức khác nhau. Học viên có thể thực hành với iPMAC lab, INE Lab Volume I, Lab trong sách TCP/IP hoặc CCIE Troubleshooting cho từng chủ đề riêng. Với Lab tổng hợp, học viên có thể dùng Volume II của INE, IPExpert.

 

 

Đối mặt với stress - Bí quyết thành công?
Khi được hỏi về bí quyết để thành công cả trong học tập và công việc, Tuấn Anh không cho rằng mình có một bí quyết đặc biệt nào cả. “Mình không đi sâu vào cách học trực tiếp vì mỗi người có cách thức tiếp cận khác nhau” – Tuấn Anh chia sẻ-  Đối với Tuấn Anh, điều giúp bạn đạt được CCIE là cách đối mặt với stress trong quá trình học. “Đầu tiên là phải có niềm tin chắc chắn mình làm được, không có gì khó khăn. Và khi mình không tin vào điều đó, thì mình chạy bộ. Chạy bộ giúp mình dậy mỗi sáng từ 5h và giúp mình học đến giờ đi ngủ mỗi ngày. Mình không khuyên các bạn nhất thiết chạy bộ :). Các bạn có thể tập thể hình, chơi tennis, làm việc bạn thích chỉ là phải giữ được cân bằng và niềm tin để tiếp tục. Về sách học và giáo trình, mình thấy TCP/IP Volume I, II, CCIE Troubleshooting I, II và INE labs đã giúp mình rất nhiều”

 

Tại giải marathon Standard Charter năm 2008 và 2011